Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

30 năm đại học vùng, đội ngũ GS, PGS, TS của Đại học Thái Nguyên tăng hơn 20 lần

Đăng ngày: 28-03-2024 | 364 lần đọc
|

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), Đại học Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Y Bắc Thái) và Trường Công nhân Cơ Điện Việt Bắc, nhằm hình thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến và tư vấn, phản biện chính sách, góp phần phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước. Để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình, tất cả các trường đại học thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Thái Nguyên là một khối thống nhất, gắn kết, kiên trì mục tiêu hoạt động “Cùng kiến tạo những giá trị mới”.

Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo nhân lực chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến; góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển bền vững của vùng và cả nước. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã khẳng định “...Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước...” (Khoản 4 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018).

Để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình, Đại học Thái Nguyên luôn kiên trì mục tiêu: “Hướng tới chất lượng, đẳng cấp và trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực” với 03 trụ cột, bao gồm: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công; Tư vấn chính sách có hiệu quả.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), Đại học Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại học Thái Nguyên là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á, là trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cộng đồng với giá trị cốt lõi là “Sáng tạo - Nhân văn - Chất lượng”.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có 07 trường đại học thành viên và 01 trường cao đẳng gồm: Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (thành lập năm 1965); Trường Đại học Sư phạm (thành lập năm 1966); Trường Đại học Y - Dược (thành lập năm 1968); Trường Đại học Nông Lâm (thành lập năm 1969); Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (thành lập năm 2004); Trường Đại học Khoa học (thành lập năm 2008); Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (thành lập năm 2011) và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (thành lập năm 2005).

Cùng với đó là sự lớn mạnh của Đại học trong việc nhiều đơn vị, phân hiệu đã góp phần lan tỏa giá trị giáo dục đại học đến moi nơi trong vùng.

41aa318e89f926a77fe8.jpg

Đầu năm 2023, Đại học Thái Nguyên đã thành lập thêm một số đơn vị
trong đó có phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang

 

Đội ngũ giảng viên tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng

Khi mới thành lập, Đại học Thái Nguyên mới có 1.556 viên chức, người lao động, đến nay đã có 3.691 viên chức và người lao động (tăng 2,4 lần). Đội ngũ cán bộ giảng dạy tăng lên với tốc độ nhanh, từ 963 người (năm 1994) lên 2.454 người (năm 2023) (tăng 2,36 lần).

Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng không ngừng nâng cao. Nếu năm 1994, mới có 08 Phó giáo sư, 90 Tiến sĩ và 228 Thạc sĩ thì đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có 162 Giáo sư, Phó giáo sư (tăng 20,2 lần), 925 Tiến sĩ (tăng 10,2 lần); 1.890 Thạc sĩ và tương đương (tăng 8,3 lần), đưa tổng số cán bộ giảng dạy có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm trên 95 % cán bộ giảng dạy.

Riêng năm 2023, Đại học Thái Nguyên có 02 giáo sư, 27 phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn, đứng thứ 4 trong các cơ sở giáo dục đại học cả nước (sau Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội).

Điều đáng nói, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao có ở tất cả các lĩnh vực: kỹ thuật và công nghệ, nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế và quản lý, khoa học xã hội và nhân văn… nên Đại học Thái Nguyên có tiềm lực về nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên luôn nhất quán chủ trương xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định chất lượng đào tạo, hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của Đại học. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong giai đoạn 15 năm (2008 - 2023), Đại học Thái Nguyên đã cử 1.285 lượt cán bộ cử đi học tiến sĩ, 1.327 lượt cán bộ cử đi học thạc sĩ. Cũng trong giai đoạn này này đã có 980 người tốt nghiệp tiến sĩ và tương đương, 192 giảng viên được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đến nay, Đại học có từ 40 - 45% cán bộ giảng dạy có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Có thể thấy rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ đã được Đại học Thái Nguyên hết sức quan tâm và chú trọng, vì thế đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có một đội ngũ cán bộ lớn mạnh, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục đào tạo và đòi hỏi thực tế với những vận hội mới và thách thức mới.

8c9d842b568ffad1a39e.jpg

Năm 2023, Đại học Thái Nguyên có 02 giáo sư, 27 phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư nhà nước
công nhận đạt tiêu chuẩn, đứng thứ 4 trong các cơ sở giáo dục đại học cả nước

 

Quy mô tuyển sinh các trình độ đào tạo không ngừng tăng lên

Khi mới thành lập (năm 1994), Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo ở các trình độ: thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

Cùng với quá trình phát triển của Đại học, các ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo không ngừng phát triển. Năm 1994, Đại học Thái Nguyên có 41 ngành đào tạo từ trình độ thạc sĩ và tương đương trở xuống, trong đó có 10 ngành thạc sĩ, 16 ngành ở trình độ đại học. Cùng với quá trình phát triển của Đại học, các ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo không ngừng phát triển. Đến năm 2023, ĐHTN đang tổ chức đào tạo 142 ngành đào tạo trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo, 70 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 39 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 ngành đào tạo chuyên khoa y dược, 06 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng.

Đến năm 2023, có 07 cơ sở giáo dục đại học thành viên được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ II, 54 chương trình đào tạo được công nhận kiểm định chất lượng (trong đó 23 chương trình đào tạo được công nhận kiểm định AUN-QA).

Quy mô đào tạo giữ ổn định khoảng 65.000 - 70.000 người/năm (trong đó 33% người học là dân tộc thiểu số). Năm 2023, quy mô đào tạo là hơn 70.000 người, trong đó đào tạo sau đại học là 4.000 người. Đặc biệt có 856 lưu học sinh nước ngoài đang theo học tại Đại học Thái Nguyên (trong đó 72 học viên thạc sĩ, 14 nghiên cứu sinh tiến sĩ). Sự tăng lên về số lượng của các ngành nghề đào tạo, quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, đã phản ánh sự phát triển và từng bước khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của Đại học Thái Nguyên.

Quy mô tuyển sinh các trình độ đào tạo không ngừng tăng lên. Năm 1994, quy mô tuyển sinh của toàn Đại học có 2.245 người; giai đoạn 2015 - 2018, tuyển sinh các trình độ tương đối ổn định từ 12.000 - 13.000 người/năm. Từ năm 2019 đến nay, tuyển sinh các trình độ khoảng từ 15.000 - 25.000 người/năm.

6358959830eb9fb5c6fa.jpg

Hiện Đại học Thái Nguyên đang tổ chức đào tạo 142 ngành đào tạo trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo, 63 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 32 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 20 ngành đào tạo chuyên khoa y dược,
04 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng

 

Lấy khoa học và công nghệ làm sức sống

Hằng năm, Đại học Thái Nguyên có trên 20.000 người học tốt nghiệp, bao gồm trên 9.000 cử nhân, kỹ sư và cao đẳng hệ chính quy, 1.300 - 1.500 thạc sĩ và tương đương, 20-25 tiến sĩ, 100-150 lưu học sinh nước ngoài và trên 10.000 học viên hệ đại học vừa làm vừa học.

Đây là nguồn nhân lực quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Số cán bộ do đại học đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi Bắc bộ và cả nước; nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của địa phương, doanh nghiệp.

Tính đến nay, số cán bộ do Đại học Thái Nguyên đào tạo có 13 người đã và đang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. nhiều đồng chí đảm nhiệm trọng trách lớn tại các tỉnh, thành phố và các tập đoàn, Tổng công công ty, doanh nghiệp lớn… Và không thể không kể đến các cựu sinh viên của Đại học Thái Nguyên là những nhà giáo, thầy thuốc, kĩ sư xuất sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp kinh tế và xã hội của cả nước.

Sự tăng lên về số lượng của các ngành nghề đào tạo, quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, đã phản ánh sự phát triển và từng bước khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của Đại học Thái Nguyên.

Trong giai đoạn 2014 - 2023, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ của Đại học Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, thu được những thành tựu nhất định: Toàn Đại học đã triển khai thực hiện 812 đề tài nghiên cứu khoa học (trong đó 123 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, 247 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, Tỉnh). Cũng trong giai đoạn 2014 - 2023, các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên đã công bố gần 5000 bài báo khoa học quốc tế, trong đó gần 3000 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/SCOPUS.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên Đại học Thái Nguyên đã đạt các giải thưởng cấp Nhà nước, bộ, ngành nhưNhiều sản phẩm khoa học công nghệ là kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ. Các chương trình hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp được ký kết, triển khai; Đại học Thái Nguyên cũng đã tham gia mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Chính phủ phát động; đặc biệt, trong năm 2018, Đại học đã ký kết với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đến năm 2020 với tổng kinh phí 100 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phát triển tỉnh Thái Nguyên.

7e28eb323c9690c8c987.jpg

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là lợi thế đào tạo đặc thù của Đại học Thái Nguyên, thu hút nguồn tuyển sinh,
mở các ngành đào tạo đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên cho hay, có được những kết quả trên là do Đại học luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ; sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh trong vùng, đặc biệt là tỉnh Thái Nguyên và bè bạn quốc tế. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10 tháng 2 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; giúp khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển.

Ngoài ra, do Đại học Thái Nguyên đóng trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, có mạng lưới giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội. Trong giai đoạn gần đây, nền kinh tế của Thái Nguyên phát triển khá năng động, có tốc độ tăng trưởng cao so với trung bình của cả nước và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của đất nước.

Hơn nữa, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh với diện tích toàn vùng chiếm 35% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 15% cả nước. Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,2% dân số của vùng, bao gồm 30 dân tộc anh em sinh sống, địa hình phần lớn khó khăn, trắc trở; đây là lợi thế đào tạo đặc thù của Đại học Thái Nguyên, thu hút nguồn tuyển sinh, mở các ngành đào tạo đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta, là “phên dậu” của tổ quốc và với 06 tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, 02 tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Lào; là vùng có bề dày lịch sử, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, có truyền thống cách mạng vẻ vang; được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “lá phổi” về bảo tài nguyên môi trường, nơi bảo vệ rừng đầu nguồn và nguồn nước của hệ thống sông ngòi của miền Bắc nước ta.

Vượt lên khắc phục mọi khó khăn, với trách nhiệm của một Đại học vùng, việc thành lập và phát triển của 02 phân hiệu tại các tỉnh biên giới phía Bắc (phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang) lan tỏa giáo dục đại học cho các tỉnh miền núi đó càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Đại học Thái Nguyên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng “phên dậu” của Tổ quốc.

Và vùng Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực tiềm năng để Đại học Thái Nguyên có thể tham gia vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ và tư vấn các chính sách phát triển vùng. Đại học Thái Nguyên đã ký kết và triển khai các văn bản hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách với hầu hết các địa phương trong vùng.

Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên là cơ sở giáo dục đại học công lập được Nhà nước đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, đất đai, đội ngũ, được tạo điều kiện cơ chế, chính sách hỗ trợ; được kế thừa cơ sở vật chất, những thành tựu, kinh nghiệp xây dựng và phát triển lâu dài của các trường thành viên và tập thể lãnh đạo Đại học Thái Nguyên luôn đoàn kết, trí tuệ; đội ngũ cán bộ viên chức, người học nhiệt tình, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có tinh thần khắc phục khó khăn, số cán bộ có trình độ cao chiếm tỷ lệ khá lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù còn có nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, nhưng Đại học đã kiên trì, nỗ lực phấn đấu theo các mục tiêu định hướng của Chính phủ, phát huy những thuận lợi, thế mạnh của đại học vùng, tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ cơ chế, chính sách, khắc phục khó khăn, thách thức kết hợp với phát huy mạnh mẽ dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ viên chức và người học, Đại học Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục - đào tạo và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: Giaoduc.net.vn