Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu thực tế

Đăng ngày: 25-03-2019 | 965 lần đọc
|

Sáng 22/3, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ công bố Chương trình đào tạo đặc thù và Ký kết hợp tác với các doanh nghiệp. Dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo; đại diện Ban Đào tạo (Đại học Thái Nguyên); đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia ký kết cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.

23-3-2019-CNTT-1.jpg

TS. Nguyễn Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác với các doanh nghiệp.

Chương trình được tổ chức nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội, cụ thể là chất lượng sinh viên khi ra trường phải đáp ứng tốt với thực tiễn và được doanh nghiệp đón nhận, đồng thời giảm thời gian và chi phí đào tạo, đặc biệt phải đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp.

Tại chương trình, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 07 doanh nghiệp gồm: Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn Viettel); Công ty Công nghệ thông tin (Tập đoàn VNPT); Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải; Tập đoàn công nghệ CMC; Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường; Công ty Cổ phần Tập đoàn edX; Công ty Cổ phần công nghệ SAPO nhằm đào tạo đặc thù cho 4 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Thương mại điện tử và Công nghệ kỹ thuật máy tính.

Với 04 ngành này, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện 09 nội dung bao gồm:

  • Dự báo nhu cầu, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, đảm bảo tính liên thông, mở và linh hoạt gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn.
  • Điều chỉnh nguồn lực và quy mô tuyển sinh cho từng ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
  • Phối hợp với doanh nghiệp trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trong quá trình đào tạo.
  • Sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm phục vụ cho hoạt động trải nghiệm, thực hành, thực tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, ứng dụng của sinh viên.
  • Cử giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo do doanh nghiệp tổ chức nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy.
  • Đảm bảo tối thiểu 30% thời gian trong chương trình đào tạo (tương đương với 1,5 năm trong chương trình đào tạo 4,5 năm) sinh viên sẽ được đào tạo tại doanh nghiệp.
  • Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
  • Phối hợp với doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ phù hợp với năng lực của hai bên.
  • Chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù còn khuyến khích sinh viên đang học các ngành khác ở cùng hoặc khác trường chuyển sang học các ngành CNTT như là một giải pháp để cung cấp kịp thời nguồn nhân lực CNTT cho xã hội.

Từ năm 2017, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là 1 trong 15 trường đại học đầu tiên của cả nước đã hoàn thành đánh giá ngoài độc lập và được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, kết quả khảo sát độc lập người học tốt nghiệp trong 6 tháng đầu có việc làm phù hợp đạt 86,68%. Kiên định mục tiêu “đào tạo theo định hướng ứng dụng”, nhà trường đã duy trì, mở rộng kết nối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo của trường nhằm cập nhật chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên./.

Tác giả: Thanh Loan – TNU Media