Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Ứng dụng khoa học vào thực tiễn

Đăng ngày: 30-07-2020 | 856 lần đọc
|

Chúng tôi biết đến Tiến sĩ Trịnh Đình Khá, Trưởng bộ môn Vi sinh học và Hóa sinh học của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) vào thời điểm khá đặc biệt. Đó là dịp Đại học Thái Nguyên tổ chức trao tặng trên 2.000 sản phẩm sát khuẩn cho tỉnh Vĩnh Phúc, khi tỉnh này xuất hiện ổ dịch Covid-19 ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Trong số đó có các sản phẩm do Tiến sĩ Trịnh Đình Khá và cộng sự nghiên cứu sáng chế.

30-7-2020-TDK-1.JPG

Tiến sĩ Trịnh Đình Khá tại phòng thí nghiệm

Có lẽ, cảm nhận chung của rất nhiều người khi lần đầu gặp Tiến sĩ Trịnh Đình Khá là sự giản dị. Anh kiệm lời và ít nói về bản thân mình. Chỉ khi đề cập đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thì sự đam mê và tâm huyết nơi anh mới thể hiện rõ ràng.

Vốn là sinh viên ngành Sinh học của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), anh Trịnh Đình Khá “đầu quân” cho Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) từ những ngày đầu thành lập. Được Nhà trường tạo điều kiện cơ sở vật chất và cơ chế để học tập nâng cao trình độ, anh hoàn thành và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2015. Đến nay, Tiến sĩ đã chủ trì nghiên cứu và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài có giá trị ứng dụng cao.

Giữa tâm điểm “nóng” về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tiến sĩ Trịnh Định Khá đã đề xuất với PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học về việc chế tạo nước sát khuẩn và dung dịch nước súc miệng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản trước đó của mình và công sự. Ý tưởng này ngay lập tức được Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Nhà trường đồng thuận và tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Tiến sĩ kể: Thời điểm đó, chúng tôi hầu như túc trực tại phòng thí nghiệm tiến hành nghiên cứu tổng hợp và pha chế, đồng thời huy động một số sinh viên cùng tham gia. Dựa trên những tài liệu  mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố về thành phần hóa học cơ bản của dung dịch sát khuẩn y tế thông dụng, nhóm đã kết hợp với các tinh dầu thiên nhiên như: Tinh dầu xả, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hồi và nhất là nano bạc được điều chế bằng phương pháp tổng hợp xanh sử dụng dịch chiết lá chè đã cho ra mắt sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn y tế có hiệu lực diệt khuẩn mạnh với công thức thành phần (Ethanol y tế, nước oxy già, glycerine, nano bạc, tinh dầu thảo dược và nước tinh khiết). Sau thành công từ việc cho ra đời sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn, các nhà khoa học đã tiếp tục điều chế và cho ra sản phẩm nước súc miệng Nano bạc thảo dược sử dụng nano bạc được điều chế từ dịch chiết lá chè. Các sản phẩm này đã được kiểm nghiệm độ an toàn hóa học, sinh học và hiệu lực diệt khuẩn tại Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam - Bộ khoa học và Công nghệ. Ngay sau đó, hàng nghìn chai nước sát khuẩn đã được sản xuất rộng rãi và phát miễn phí ở khu vực công cộng toàn Đại học Thái Nguyên, hỗ trợ các trường học THPT, các trường học miền núi khó khăn, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc phòng dịch Covid-19.

Tiến sĩ Trịnh Đình Khá cho rằng: Thực tế, trên thị trường nhiều cơ sở có thể sản xuất được sản phẩm dung dịch sát khuẩn và dung dịch nước súc miệng; thậm chí bản thân mỗi người cũng có thể điều chế được dung dịch sát khuẩn theo khuyến cáo của WHO. Khác biệt lớn nhất của sản phẩm nước súc miệng và dung dịch sát khuẩn của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) là có nano bạc có hiệu lực diệt khuẩn mạnh được điều chế bằng phương pháp hóa học xanh an toàn. Chúng tôi chọn lá chè tươi ở những vùng đạt tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để chiết xuất nano bạc theo phương pháp hóa học xanh. Đây là một thuật ngữ chuyên ngành mà sản phẩm làm ra hạn chế được tạp chất và hóa chất độc hại. Theo nghiên nghiên cứu, ngoài tổng hợp nano bạc, nếu tiếp tục nghiên cứu sâu hơn thì có thể chiết xuất được rất nhiều tinh chất có ích từ lá chè xanh để phục vụ cho cuộc sống. Đặc biệt, Thái Nguyên của chúng ta còn được gọi là thủ phủ của chè thì đây là điều kiện thuận lợi về nguyên liệu cho việc điều chế nano bạc từ tinh chất chè xanh để ứng dụng trong y dược, nông nghiệp và công nghiệp…

30-7-2020-TDK-2.jpg

Tiến sĩ Trịnh Đình Khá và nhóm cộng sự nghiên cứu sáng chế sản phẩm dung dịch nước súc miệng nano bạc thảo dược và dung dịch nước rửa tay khô sát khuẩn.

Nói về quan điểm nghiêm cứu, Tiến sĩ Trịnh Định Khá cho rằng nghiên cứu khoa học đều hướng đến phục vụ con người, phục vụ cộng đồng. Tùy từng điều kiện và giai đoạn, cần có sự hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Điều này phù hợp với định hướng của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hướng tới tính ứng dụng thực tiễn và chuyển giao công nghệ cho cộng đồng. Kết quả sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn và nước súc nano bạc thảo dược chỉ mới là thành công nhỏ bước đầu trên cơ sở nghiên cứu cơ bản phục vụ trước mắt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Mong muốn của Tiến sĩ là có thể hoàn thiện các thủ tục để phát triển sản phẩm theo hướng thương mại và tiếp tục triển khai nhiều nghiên cứu ứng dụng khác, nhất là từ cây chè - cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên./.

Trần Nhung