Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Tự chủ đại học với Đại học Vùng và các đơn vị  thành viên

Đăng ngày: 18-12-2019 | 2591 lần đọc
|

Sáng nay 17/12, Đại học Thái Nguyên phối hợp với Đại sứ quán Australia, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) tổ chức Hội thảo quốc tế Tự chủ đại học (ĐH) với Đại học vùng và các đơn vị thành viên.

18-12-2019-HT-1.jpgCác đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học ( BộGiáo dục và Đào tạo); ông Brendon Brooker - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia; ông Michael Sadlon - Giám đốc Chương trình Aus4Skills; ông Kurt Larsen - Chuyên gia giáo dục cao cấp World Bank; GS. Martin Hayden – Chuyên gia Trường Đại học Southern Cross University (Úc).

Cùng dự Hội thảo có PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Phó Giám đốc Đại học Huế, PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng,  TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc cùng các thành viên trong đoàn. Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại  học Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường đại học thành viên trực thuộc.

18-12-2019-HT-2.JPG

GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, hiện nay việc thực hiện tự chủ tại các trường đại học Việt Nam đang là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là với các Đại học vùng. Thông qua hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học cùng nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về tự chủ đại học của Đại học vùng và các đơn vị thành viên, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề thực tiễn của giáo dục đại  học Việt Nam, giải đáp các băn khoăn, cũng như đúc rút các kinh nghiệm nhằm tiến tới thực hiện việc tự chủ đại học tại các trường.

Cũng theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Phó giám đốc Đại học Huế, hiện nay đại học vùng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, như với chủ trương xây dựng 3 đại học là Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế theo mô hình đại học vùng chưa gắn liền với chính sách đầu tư, kinh phí hoạt động thường xuyên, các chương trình, dự án hỗ trợ thường xuyên. Mâu thuẫn giữa quản lý tập chung với tư cách là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực với đòi hỏi phân cấp ngày càng nhiều hơn cho các trường thành viên. Do vậy, hơn 25 năm phát triển mô hình đại học vùng đến nay đã đủ điều kiện để phát triển thành Đại học Quốc gia. Các đại học vùng khi có được cơ chế mới phải cam kết tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất, tài chính, quản lý,… để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu phục vụ cộng đồng. Tăng tính tự chủ cao theo luật sẽ phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo trong phát triển các chương trình đào tạo, thích ứng với sự thay đổi toàn cầu, và nhu cầu của xã hội.

Với chủ đề “Kích hoạt sự tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học, xu hướng toàn cầu và khuyến nghị cho Việt Nam”, ông Kurt Larsen, chuyên gia giáo dục cao cấp của ngân hàng thế giới cho rằng, đổi lại việc tự chủ các Chính phủ đều hy vọng các trường đại học phải chịu trách nhiệm với họ về bốn điều: Tuân thủ các mục tiêu và chính sách quốc gia; duy trì chất lượng học thuật; trung thực về tài chính và giá trị đồng tiền; và quản lý - quản trị tốt.

18-12-2019-HT-3.jpg

Ngài Kurt Larsen – chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm giải trình của các trường đại học trong vấn đề tự chủ được ông Kurt Larsen chỉ rõ, các đại học cần duy trì chất lượng giáo dục và sự liêm chính trong học thuật với hệ thống đảm bảo chất lượng đáng tin cậy, báo cáo hiệu suất hàng năm cho thấy sự tiến bộ so với từng mục tiêu chiến lược và kế hoạch hàng năm của trường đại học. Đồng thời, các trường đại học cần chia sẻ công khai thông tin về sinh viên, chỉ số hiệu suất của trường đại học, báo cáo tài chính và biên bản các cuộc họp của hội đồng trường đại học,....Tuy nhiên, các trường đại học tại Việt Nam hiện không có cơ chế trách nhiệm giải trình rõ ràng và đáng tin cậy.

Để thúc đẩy tự chủ và trách nhiệm giải trình các đại học Việt Nam, chuyên gia giáo dục cao cấp Kurt Larsen khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường và sắp xếp các khung pháp lý và quy định bao gồm bảo đảm chất lượng, quy định về Hội đồng Trường Đại học cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về vai trò, chức năng, quyền lực và thành viên. Cân bằng trao quyền tự chủ với một hệ thống trách nhiệm giải trình mạnh mẽ, xây dựng năng lực toàn hệ thống về thực thi quyền tự chủ so với cơ chế trách nhiệm giải trình.

PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng kiến nghị, quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cần được giao đồng bộ, nhất quán cập nhật ở mọi văn bản pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học có được quyền tự chủ trọn vẹn. Với đại học vùng, Chính phủ chỉ nên giao quyền tự chủ cho Đại học, các trường thành viên sẽ do Đại học giao tự chủ từng phần đảm bảo nhiệm vụ chung; Cơ cấu Đại học vùng nên quy định như 2 Đại học Quốc gia. Đặc biệt, Chính phủ sớm ban hành Nghị định tự chủ cho các trường Đại học, cần có lộ trình cụ thể, tăng sự giám sát của Nhà nước để tránh bất công trong giáo dục, đào tạo, đầu tư có trọng điểm và xóa bỏ việc thu thuế từ các khoản thu phí với các trường Đại học công lập và tư thục phi lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần chuyên nghiệp hóa cơ quan chuyên trách thường xuyên điều tra, công bố nhu cầu nhân lực, các dự báo, dự đoán xu hướng ngành nghề,… trung và dài hạn để các trường  đại học hoàn thiện chiến lược của mình.  Sớm triển khai Quy hoạch sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, giảm số lượng các trường công lập; các trường đại học quy mô tuyển sinh nhỏ, đội ngũ mỏng không sáp nhập thì nên cho tư hữu hóa; nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo cho các trường đại học và đầu tư đủ cho chi phí nghiên cứu, đào tạo.

Các phiên thảo luận song song tập trung phân tích các khía cạnh về tự chủ Đại học vùng, như: Những điều kiện cần thiết để Đại học Vùng giữ vững và phát huy vị thế là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao cả nước trong giai đoạn hiện nay; Quản trị nhân lực trong trường Đại học công lập và một số đề xuất, kiến nghị cho chủ trương tự chủ Đại học Việt Nam; Tinh giản bộ máy hành chính để quản lý, quản trị hiệu quả hơn; Tự chủ Đại học và trách nhiệm giải trình đối với Đại học vùng và các đơn vị thành viên trong bối cảnh Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục Đại học… và cùng thảo luận bàn tròn xung quanh nội dung tự chủ đại học./.

Thanh Loan – TNU Media