Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

[Trường ĐHSP] Các sự kiện tiêu biểu của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 2018

Đăng ngày: 30-01-2019 | 2030 lần đọc
|

1. Lãnh đạo Nhà nước, chính phủ, Bộ GD&ĐT đến thăm và làm việc tại Trường

       Năm 2018, trong khuôn khổ các hoạt động của Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm đã vinh dự được đón đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh – UVBCHTW Đảng, Phó Chủ tịch nước, đồng chí Vũ Đức Đam – UVBCHTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ và GS.TS Phùng Xuân Nhạ - UVBCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đến thăm và làm việc tại trường. Sự kiện trên thể hiện vị trí địa chính trị của Đại học Thái Nguyên và của Trường, đồng thời là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Đại học Thái Nguyên nói chung và của Trường nói riêng, để vượt qua khó khăn, thực hiện tốt sứ mạng và mục tiêu của Đại học và của Trường.

Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm Trường

       Trong năm 2018, rất vinh dự cho Trường, GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng nhà trường được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhiệm kỳ 2018 – 2023. Trên cương vị mới, GS.TS Phạm Hồng Quang cùng toàn thể cán bộ viên chức trong toàn ĐHTN sẽ khai thác mọi nguồn lực để tiếp tục mục tiêu xây dựng Đại học Thái Nguyên thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và cả nước.

GS.TS Phạm Hồng Quang nhận Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhiệm kỳ 2018 – 2023

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tại Lai Châu

       Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên được Bộ GD&ĐT phân công phối hợp cùng với Sở GD&ĐT Lai Châu tổ chức.Trường đã cử 245 cán bộ, giảng viên tham gia công tác coi thi ở 15 điểm thi của tỉnh. Trong số các điểm thi của tỉnh Lai Châu, điểm thi xa nhất là Trường PTDTNT THPT Ka Lăng huyện Mường Tè, cách trung tâm Tp Lai Châu gần 300 km. Trong thời gian tổ chức thi, tại tỉnh Lai Châu có mưa lớn, xuất hiện lũ quét, sạt lở đất, gây ngập lụt trên diện rộng, nhiều địa phương trong tỉnh giao thông bị chia cắt, cô lập, điện lưới nhiều nơi mất nguồn cung cấp, thiếu nước uống….mưa lũ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác coi thi tại các điểm thi, cá biệt, có điểm thi của huyện Than Uyên phải chuyển địa điểm coi thi sang điểm thi dự phòng để đảm bảo an toàn cho cán bộ và thí sinh. Cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Sư phạm – ĐHTN đã khắc phục khó khăn, vượt lũ để cùng cán bộ, giáo viên Sở tại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ coi thi, đảm bảo an toàn và thực hiện kỳ thi theo đúng kế hoạch. Với tinh thần tương thân, tương ái, tập thể cán bộ, viên chức của Trường đã quyên góp và trao tặng 100 triệu đồng cho ngành giáo dục tỉnh Lai Châu khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ngoài ra tại một số điểm thi, cán bộ, giảng viên của Trường đã quyên góp tại chỗ để giúp đỡ, ủng hộ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Giảng viên của Trường vượt khó trong kỳ thi THPT quốc gia tại Lai Châu

3. Ký kết Hợp đồng thỏa thuận thực hiện Chương trình ETEP giai đoạn 2018-2022

       Trường Đại học Sư phạm – ĐHTN là một trong 8 trường được chọn tham gia chương trình ETEP. Năm 2017, Trường Đại học Sư phạm thực hiện đánh giá TEIDI và triển khai kế hoạch xây dựng PA nâng cao năng lực nhà trường theo bộ chỉ số  TEIDI. Ngày 20/8/2018, tại Văn phòng Chương trình ETEP trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thị Tính - Phó Hiệu trưởng phụ trách, Trưởng ban quản lý Chương trình ETEP Trường đã ký Hợp đồng thỏa thuận thực hiện Chương trình ETEP giai đoạn 2018 - 2022 với tổng kinh phí thực hiện là 146 tỷ 155 triệu đồng. Mục tiêu của Chương trình ETEP là nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và thực hiện các đổi mới về công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo dục phổ thông. Nhà trường được đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của nhà trường đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng trên 3000 giáo viên cốt cán phổ thông (theo hình thức trực tiếp) và hơn 73.000 giáo viên đại trà phổ thông (theo hình thức trực tuyến) cho 8 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Kết quả của Chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực của Nhà trường theo bộ chỉ số TEIDI, từ đó hình thành các cộng đồng học tập hỗ trợ công tác bồi dưỡng thường xuyên ở các trường phổ thông thuộc 8 tỉnh được phân công, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

PGS.TS. Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường

 thực hiện ký kết Hợp đồng thỏa thuận với Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP TW

4. 100% chương trình đào tạo được rà soát, điều chỉnh, bổ sung

       Năm 2018, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, của các nhà tuyển dụng, Trường đã thực hiện rà soát, cập nhật và điều chỉnh 14 CTĐT trình độ đại học hệ chính quy hiện hành, bao gồm: SP Toán, SP Tin, SP Hóa học, SP Vật lí, SP Sinh học, SP Ngữ Văn, SP Lịch Sử, SP Địa lí, Giáo dục học, GD Chính trị, SP Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, GD Tiểu học và GD Mầm Non. Nội dung rà soát, điều chỉnh CTĐT, nhằm thực hiện đúng mục tiêu, sứ mạng của Nhà trường trong đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cho khu vực và cả nước.

5. Hoạt động Bồi dưỡng của Nhà trường được mở rộng ở nhiều địa phương trên toàn quốc

       Trường đã triển khai nhiều loại hình bồi dưỡng: Bồi dưỡng nâng ngạch theo chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giảng viên, giáo viên; Bồi dưỡng cán bộ quản lý; Bồi dưỡng chuyên môn; Bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý học đường... cho trên 20.000 học viên thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Nội; TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắc Nông, Buôn Mê Thuật, Bạc Liêu, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La...

6. Hoạt động phát triển cộng đồng học tập của giảng viên lần đầu tiên được triển khai

       Hoạt động phát triển cộng đồng học tập của giảng viên nhà trường được triển khai đã tạo sự gắn kết giữa giảng viên với giảng viên và giữa giảng viên với giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn.Thông qua triển khai hoạt động của cộng đồng học tập giảng viên các chuyên ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giáo viên các trường phổ thông thực hiện đổi mới hoạt động dạy học và đổi mới hoạt động giáo dục học sinh, tạo ấn tượng tốt về nhà trường và mối quan hệ gắn bó giữa trường sư phạm với trường phổ thông, tạo tiền đề cho bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2019 và năm 2020.

7. Triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giảng viên chuẩn bị tiềm lực để triển khai bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

       Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Năm 2018, được sự tài trợ của dự án ETEP và án FCB, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên đã tổ chức triển khai nhiều khóa tập huấn bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, giảng viên nhà trường, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục đại học và giáo dục phổ thông. Trên 500 lượt cán bộ quản lý và giảng viên đã được tham gia bồi dưỡng các khóa tập huấn do các chuyên gia đến từ Đại học Wollongong, Sunshine Coast (Úc), Đại học Khon Kaen (Thái Lan)…. và các chuyên gia trong nước: Bồi dưỡng năng lực xây dựng kế hoạch chiến lược; năng lực quản trị đại học cho cán bộ quản lý các cấp; Nâng cao năng lực dạy học trực tuyến; dạy học kĩ thuật số; giáo dục STEM; phương pháp dạy học tích cực cho giảng viên được triển khai và đã tạo sự thay đổi trong cán bộ, giảng viên.

8. Hoạt động nghiên cứu khoa học đạt nhiều kết quả quan trọng

       Trong năm 2018, Trường đã chủ trì thực hiện 05 đề tài KHCN cấp Quốc gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện 06 đề tài Nafosted, 26 đề tài KHCN cấp Bộ và 21 đề tài KHCN cấp Đại học. Để mở rộng hoạt động KHCN, Trường đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ và ký kết văn bản hợp tác với nhiều đối tác. Đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức và đã ký kết thành công với 09 đối tác, triển khai có nhiều kết quả.

Hoạt động ký kết văn bản hợp tác về khoa học và công nghệ

       Năm 2018, Trường Đại học Sư phạm có 02 công trình nghiên cứu của giảng viên trẻ gửi tham dự xét giải thưởng “Khoa học Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học”, 04 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.Kết quả đạt được: Giải thưởng Khoa học Công nghệ dành cho giảng viên trẻ có 01 đề tài đạt Giải Nhất, 01 đề tài đạt giải Ba; Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học có 01 đề tài đạt giải Nhì, 02 đề tài đạt giải Ba, 01 đề tài đạt giải Khuyến khích. Tại kỳ thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ XXI – 2018, đội tuyển Olympic Vật lý của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã đạt được kết quả cao: Giải Nhì toàn đoàn; 02 giải Nhất , 04 giải Nhì.

       Những kết quả đạt được về thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên trong năm 2018 đã khẳng định vị thế của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ của nhà trường, đồng  thời là minh chứng cho sự đầu tư và chú trọng của Nhà trường trong công tác bồi dưỡng và đào tạo cán bộ trẻ, sinh viên. Các kết quả đạt được cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo và sự say mê, vượt khó trong nghiên cứu của giảng viên, sinh viên Nhà trường là những yếu tố cơ bản để tạo nên thành tích của giảng viên, sinh viên nhà trường.

Giảng viên và sinh viên của Trường nhận giải thưởng trong hoạt động NCKH

9. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế ICTER và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới

       Đáp ứng yêu cầu của đổi mới đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay, từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12 năm 2018, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo quốc tế ICTER 2018 với chủ đề “Đào tạo giáo viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, tham gia đông đảo của 250 nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia đến từ Mỹ, Đức, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan đã gửi bài tham dự và báo cáo tại hội thảo. Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Những thay đổi của đào tạo giáo viên trong thế kỉ XXI dưới tác động của giáo dục số, kỉ nguyên của trí tuệ nhân tạo, Công nghệ dạy học và những ứng dụng trong đào tạo giáo viên, Giáo dục STEM và phát triển chương trình đào tạo giáo viên STEM, Giáo dục đa văn hóa trong trường phổ thông, Giáo dục ngôn ngữ, văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số…. Các báo cáo viên cũng đề cập tới những kinh nghiệm hữu ích để đối mặt với thách thức và cơ hội của sự thay đổi trong nền giáo dục Úc, New Zealand, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan,….

Hội thảo quốc tế Đào tạo giáo viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

       Trong năm 2018, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tăng cường hợp tác quốc tế và ký kết biên bản hợp tác (MOU) với các trường đại học nước ngoài; tổ chức đón tiếp 46 đoàn khách quốc tế đến thăm quan, làm việc và trao đổi học thuật; cử 14 đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên đi công tác, học tập, tập huấn, tham dự hội thảo khoa học tại các nước Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nga, Hungary, Hồng Kông, Lào,... Trong các chuyến công tác nước ngoài, Trường đã cử đại diện lãnh đạo ký kết biên bản hợp tác (MOU) với nhiều trường đại học trên thế giới như: Đại học Giáo dục Hồng Kông (Trung Quốc), Đại học Hàng không Vũ trụ (Trung Quốc), Cao đẳng Sư phạm Bản Cơn (CHDCND Lào), Đại học Sopron và Đại học Kaposvar (Hungary), Đại học Sunshine Coast (Úc), Đại học Kyung-nam (Hàn Quốc),... 

PGS. TS Nguyễn Thị Tính - Phó Hiệu trưởng Phụ trách ký kết hợp tác giáo dục và đào tạo tại Hungary

10. Chia sẻ, hỗ trợ đối với giáo viên và học sinh vùng cao

       Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (trong 2 ngày 9 - 10/11/2018), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình 'Tặng hoa nhà giáo vùng cao' tại các trường học ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nhằm động viên, thăm hỏi, hỗ trợ giáo viên, học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trường ĐHSP – ĐHTN đã thăm hỏi và tặng 46 xuất quà cùng nhiều hiện vật như: sách giáo khoa, vở viết, máy chiếu, loa và các trang thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập… trị giá gần 200 triệu đồng cho giáo viên, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Púng Luông, Trường PTDTBT Tiểu học&THCS La Pán Tẩn và Trường THPT Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái.

       Chương trình “Tặng hoa nhà giáo vùng cao” của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên như những bông hoa tươi thắm gửi đến những đồng nghiệp đang ngày đêm “bám trụ”, gieo con chữ cho các lớp thế hệ học sinh đã nhận được sự quan tâm, động viên tích cực từ phía các cấp chính quyền và nhà trường.

       Năm 2018 Trường đã vận động cán bộ, viên chức, người lao động, người học, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ các quỹ từ thiện, các hoạt động thiện nguyên trên 500.000.000 đồng.

Đoàn công tác của Trường thăm, tặng quà cho giáo viên và học sinh ở Mù Cang Chải, Yên Bái

 
Tác giả bài viết: Bộ phận truyền thông - Trường ĐHSP - ĐHTN