Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên): Bứt phá nhờ hướng nghiên cứu khoa học ứng dụ­­ng

Đăng ngày: 17-08-2020 | 695 lần đọc
|

 

 Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên thăm Viện NC&PTLN-Trường ĐH Nông LâmĐồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên thăm Viện NC&PTLN-Trường ĐH Nông Lâm

 

Trải qua bề dày truyền thống xây dựng và phát triển, trường ĐH Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên đã trở thành cái nôi trong công tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các tỉnh trung du - miền núi phía Bắc cũng như cả nước về các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, tài nguyên và môi trường.

Phát huy nền tảng và thế mạnh đó, những năm gần đây, nhà trường tiếp tục chú trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là tính hiệu quả và khả năng đáp ứng thực tiễn. Công tác mở ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội được nhà trường coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.  

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhà trường đã mở mới 13 ngành đào tạo đại học, 02 ngành đào tạo thạc sĩ và 01 ngành đào tạo tiến sĩ, xây dựng mới 07 ngành đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học. Đặc biệt, mở mới 2 chương trình đào tạo quốc tế (Công nghệ thực phẩm và Kinh tế Nông nghiệp), mỗi năm thu hút trên 30 sinh viên quốc tế theo học và nhiều lượt sinh viên đến học tập theo diện trao đổi ngắn hạn.

Hoạt động hợp tác với doanh nghiệp và kết nối việc làm cho sinh viên được triển khai hiệu quả. Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhà trường đã mời 10 doanh nghiệp tham gia giảng dạy học phần thực tập nghề nghiệp, rèn nghề cho sinh viên; ký kết đào tạo được 05 lớp theo đơn đặt hàng doanh nghiệp; 116 lượt nhà tuyển dụng tham gia đánh giá chương trình, chuẩn đầu ra cho sinh viên các ngành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng Cờ thi đua cho Trường ĐH Nông Lâm

 

Đáng chú ý, nhà trường đã phát triển được nhiều chương trình thực tập nghề tại các nước như Mỹ, Úc, Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Đan Mạch, chỉ trong giai đoạn 2015 - 2020 đã gửi được 1.187 sinh viên đi học tập và thực tập nghề tại nước ngoài.

Hiện nhà trường 16 đơn vị trực thuộc thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, bao gồm: 8 khoa, 2 viện, 6 trung tâm nghiên cứu; trong đó có các viện, trung tâm nghiên cứu đang vận hành theo cơ chế tự chủ; hằng năm nhà trường đã tìm kiếm và thực hiện nhiều chương trình chuyển giao, góp phần nâng cao nguồn thu, đảm bảo chi trả lương cho một bộ phận cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị tự chủ.

Từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã triển khai thực hiện 27 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước; 07 đề tài theo Nghị định thư, song phương, đa phương hợp tác với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; 46 đề tài cấp Bộ (gồm Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, Ủy ban dân tộc); 15 đề tài cấp Đại học, 252 đề tài cấp Trường, 278 chương trình chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường đạt hiệu quả cao, với gần 30 sản phẩm được bảo hộ và công nhận bằng sở hữu trí tuệ, hàng chục quy trình kỹ thuật về các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm.

Nhà trường xác định “tự chủ” là hướng đi tất yếu, vừa là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị trong nhà trường phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khai thác, tìm kiếm nguồn lực tài chính từ các Bộ, Ban, Ngành, địa phương cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Lãnh đạo Nhà trường tặng hoa chúc mừng PGS.TS Trần Thị Hà- Viện trưởng Viện NC&PTLN trong Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia

 

Nếu như trước đây, các nghiên cứu chủ yếu đi theo hướng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cho có, tính ứng dụng chưa cao hoặc không có thì đến nay hầu hết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đều hướng đến sản phẩm cuối cùng rất cụ thể, có khả năng ứng dụng, có khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa. Điều đó đã tạo nền tảng tốt cho công tác chuyển giao công nghệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp, địa phương.

Trong thời gian tới, xác định xu hướng đào tạo khối ngành nông lâm nghiệp hiện nay vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, nhà trường sẽ tiếp tục huy động tối đa cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu khoa học, không ngừng tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, nhà trường cũng sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, cá nhân đủ điều kiện tham gia thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong nhà trường và các viện, trung tâm; khuyến khích nâng cao năng lực nghiên cứu, hướng tới sản phẩm có tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hóa, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.