Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Tọa đàm “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo”

Đăng ngày: 20-02-2019 | 2021 lần đọc
|

Ngày 19/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo”. Tham dự Tọa đàm có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng; đại diện một số trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức đang tham gia triển khai Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.

Cần thay đổi tư duy về khởi nghiệp

Tại Tọa đàm, trao đổi về vai trò của giáo dục trong khởi nghiệp sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước là tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hơn, để thực hiện được mục tiêu này phải có nhiều doanh nhân khởi nghiệp, muốn có doanh nhân khởi nghiệp phải có môi trường nuôi dưỡng họ là hệ sinh thái khởi nghiệp, muốn có nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp phải có xã hội khởi nghiệp, người người, nhà nhà chia sẻ tinh thần khởi nghiệp. Và muốn có xã hội ấy, phải bắt đầu từ giáo dục khởi nghiệp.

Quang cảnh Tọa đàm

Ông Thi chia sẻ: “Trước đây, phần lớn bố mẹ thường khuyên con học giỏi để có tấm bằng đại học rồi xin việc đi làm nhưng vẫn chỉ là đi làm thuê. Phụ huynh chưa khuyến khích con em mình khởi nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy của phụ huynh và xã hội. Chúng ta cần có tư duy khuyến khích con em mình khởi nghiệp, dấn thân trên con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì cần bắt đầu từ giáo dục khởi nghiệp”.

Còn theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, khởi nghiệp sáng tạo phải là hoạt động chính, cốt lõi của đại học Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn trên các kết quả sẽ thấy rằng, hiện nay ở các trường đại học, hoạt động này vẫn còn hạn chế.

“Chúng ta cứ ngẫm xem, theo kinh tế học giáo dục mà chúng tôi nghiên cứu, một sinh viên đại học chi tiêu theo mức cơ bản là 6-7 triệu đồng/tháng, sau đó ra trường đi làm công chức với mức lương vài triệu đồng/tháng. Đến hơn 30 năm sau về hưu, họ lại bắt đầu trên mảnh đất của mình để khởi nghiệp. Vậy tại sao không cho họ khởi nghiệp trước đó 30 năm. Điều này đặt ra cho chúng ta suy nghĩ phải khởi nghiệp sớm lên, phải dẫn đường cho xã hội. Đó là tầm nhìn của trường đại học” - Ông Quang trao đổi.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo phải là hoạt động chính, cốt lõi của đại học Việt Nam

Nhìn nhận đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp như một kim tự tháp, TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra, kim tự tháp này có 3 phần: Phần đế là sáng tạo, phần giữa là đổi mới và phần ngọn là khởi nghiệp. Theo đó, mỗi phần đều có rất nhiều tổ chức trung gian liên quan, nhưng ở đó đều có sự xuất hiện của trường đại học.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Dũng thì đang có sự thiên lệch khi phần khởi nghiệp nằm ở ngọn nhưng lại được nhắc đến nhiều, trong khi phần đế sáng tạo, đổi mới lại chưa được chú trọng. Chính vì thế, ông Dũng đánh giá, sự ra đời của Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần xây dựng lên nền tảng vững chắc cho kim tự tháp đổi mới - sáng tạo - khởi nghiệp.

“Đối với các trường đại học, chúng tôi muốn nói nhiều hơn đến cụm từ đổi mới sáng tạo, chứ không phải khởi nghiệp” - Ông Dũng cho hay.

Tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, học sinh, sinh viên là những người có khát vọng, đam mê, nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp nhưng thiếu các điều kiện để hiện thực hóa. Vì vậy, Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 mở ra cơ hội, tạo môi trường cho học sinh sinh viên, cũng như mỗi nhà trường được trở thành một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến động lực của hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ của Đề án là xây dựng được môi trường khởi nghiệp, môi trường đó có sự tham gia của học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các cựu học sinh, sinh viên đã trưởng thành, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp. “Khởi nghiệp của thế hệ trẻ chỉ thành công khi đặt trong một hệ sinh thái mà mỗi người tham gia cùng có lợi, cùng cảm thấy có động lực. Chỉ đến khi nào hệ sinh thái khởi nghiệp lan tỏa thành tự thân của mỗi người khi đó mới thành quốc gia khởi nghiệp” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhìn lại hơn một năm triển khai Đề án 1665, Bộ trưởng đánh giá, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đã có những tín hiệu ban đầu. Bộ GD&ĐT với vai trò là “người thắp lửa” cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã có nhiều hoạt động tích cực, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng tham gia, thể hiện rõ nét vai trò kết nối, bảo lãnh cho hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Để triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án và tạo ra môi trường khởi nghiệp bền vững, Bộ trưởng lưu ý tới vai trò của các nhà trường như những tế bào được kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp. “Khởi nghiệp là hoạt động cần lan tỏa nhưng không có nghĩa là làm đồng khởi, tràn lan mà lựa chọn một số cơ sở giáo dục làm tốt để hình thành nên những nhóm khởi nghiệp mạnh. Từ đó kết nối một cách tự nhiên. Động lực khởi nghiệp là điều xuyên suốt, tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào” - Bộ trưởng nêu rõ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ về mục đích của Tọa đàm

Bộ trưởng cũng nhắc tới sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao vị thế, uy tín của mỗi nhà trường. Đặc biệt vai trò của doanh nghiệp trong việc kích hoạt sự sáng tạo của người học; khi doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, người học sẽ đến gần hơn với thị trường lao động, được học cách khởi nghiệp và được hun đúc tinh thần khởi nghiệp.

“Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia muốn bền vững phải tính đến nền tảng là thế hệ trẻ, những người đang bắt đầu từ hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời huy động nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức của các lực lượng xã hội đóng góp cho hoạt động này” - Bộ trưởng khẳng định.

Chia sẻ về mục đích của cuộc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Tọa đàm nhằm xác định vai trò của các trường đại học trong việc tiên phong thực hiện hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nếu làm tốt sẽ tạo nên thương hiệu nhà trường. Các trường cũng cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành tố như: Cơ chế chính sách, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên. Thứ trưởng cho rằng, trách nhiệm của chúng ta là thay đổi nhận thức từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục