Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật của Đại học Thái Nguyên phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Đăng ngày: 06-07-2019 | 69832 lần đọc
|

Sáng ngày 06/7, Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm khoa học mang chủ đề “Kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc của Đại học Thái Nguyên 2004-2018”. Dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nhữ Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo Văn phòng, Văn phòng Đảng ủy, Ban Đào tạo, Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, các cơ sở giáo dục đại học thành viên cùng các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2004 – 2018.

6-7-2019-NQ-1.JPG

Mục địch của Tọa đàm nhằm cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn cho tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020” và Kết luận số 26-KL/TW ngày 02 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp trong nghiên cứu và tư vấn chính sách giữa Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Thái Nguyên.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gắn với quá trình thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW; làm rõ vai trò của Đại học Thái Nguyên trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các địa phương trong vùng và chức năng tư vấn chính sách. Đồng thời, thảo luận về tính đồng bộ và hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến liên kết phát triển vùng; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển khoa học và công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...

6-7-2019-nq-2.jpg

GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐHTN báo cáo tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên cũng đã kiến nghị, đề xuất các quan điểm và giải pháp đột phá, phù hợp; các mô hình sản xuất và kinh doanh mới cần được nhân rộng và áp dụng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Tại báo cáo “Vai trò của Đại học Thái Nguyên trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu – chuyển giao khoa học công nghệ và tư vấn chính sách phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng trong 15 năm thực hiện nghị quyết 37 của TW”, GS. TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên  đã báo cáo khái quát tiềm lực của Đại học Thái Nguyên, kết quả thực hiện Nghị quyết 37 của TW giai đoạn 2004 – 2018 về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, tư vấn chính sách của ĐHTN.

Qua đó, Giám đốc Phạm Hồng Quang cũng đã đề xuất giai đoạn 2020 – 2035 và tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư cho Đại học Thái Nguyên – cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đa ngành với cụm tám trường đại học và cao đẳng đã được kiểm định chất lượng.

6-7-2019-nq-3.jpg

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược phát biểu tại Tọa đàm

Tiếp đó, tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các tham luận khác của các nhà khoa học về các lĩnh vực kinh tế, nông lâm, văn hóa, giáo dục, y tế, kỹ thuật. Các tham luận đã tập trung phân tích, đánh giá được thuận lợi, khó khăn; cơ hội và thách thức; đặc biệt là đưa ra được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp khả thi và các kiến nghị, đề xuất như: “ Nghiên cứu chất lượng tăng trưởng kinh tế trong điều kiện CNH – HĐH của các tỉnh vùng núi phía Bắc”, “Trường Đại học Nông Lâm – ĐHTN với việc thực hiện Nghị quyết số 37 và Kết luận 26 của Bộ Chính trị”; “Tháo gỡ những rào cản tiếp cận tín dụng chính thức của hộ gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Bắc, Việt Nam”; “Giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều tại tỉnh Thái Nguyên”; “Giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn”, …

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng ban Ban Kinh tế TW đánh giá cao các tham luận đã trình bày, đồng thời một lần nữa tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, thế mạnh và tiềm năng của Đại học Thái Nguyên.

6-7-2019-nq-4.jpg

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung Ương kết luận tại Tọa đàm

Đồng chí nhấn mạnh, 15 năm thực hiện nghị quyết 37, bộ mặt của các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã có sự thay đổi đáng kể, kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh trong khu vực đã phát triển, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Qua đó, cũng khẳng định sự đóng góp của Đại học Thái Nguyên trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, tư vấn chính sách của ĐHTN.

 Đồng chí cũng ghi nhận và đánh giá cao các kiến nghị của các nhà khoa học tại Tọa đàm của Đại học Thái Nguyên trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật, nông – lâm – ngư nghiệp, du lịch…Đây là những kiến nghị quý báu sẽ được tổ thư ký của Đề án tổng kết nghị quyết 37 của Đảng ghi chép và xem xét, lưu ý để đưa vào xây dựng báo cáo tổng kết đánh giá nghị quyết được sâu sắc, toàn diện./.

Tác giả: Thanh Loan – TNU Media