Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Hội thảo khoa học phát triển chương trình đào tạo đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Đăng ngày: 04-04-2019 | 1742 lần đọc
|

Ngày 3/4, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển chương trình đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là một trong những nội dung hoạt động nhân dịp ĐHTN đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2019).

Dự hội thảo có đồng chí Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo); đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) cùng đông đảo các nhà khoa học, học giả, chuyên gia, nhà quản lý của ĐHTN và một số trường đại học trong nước, nước ngoài.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao thành tích mà ĐHTN đạt được trong suốt chặng đường 25 năm qua đã đào tạo cho đất nước và vùng trung du, miền núi phía Bắc một đội ngũ nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực của khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, nông lâm nghiệp, sinh học, y dược học và nhiều ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ khác. Đồng chí nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, ĐHTN cần xác định rõ thế mạnh nội tại của mình, kết hợp hài hòa với lợi thế về vị trí địa lý, bám sát mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc để lựa chọn hướng phát triển trọng tâm, trọng điểm; tranh thủ các mối quan hệ quốc tế, mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo ra nhiều tri thức mới chuyển giao vào thực tiễn phục vụ xã hội và cộng đồng. Đồng chí Tạ Ngọc Đôn tin tưởng rằng Hội thảo sẽ góp thêm một luồng gió mới, giúp ĐHTN từng bước thay đổi về chất để xứng đáng là Đại học Vùng lớn nhất cả nước, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển của ngành GD&ĐT và phát triển đất nước Việt Nam.

Trong khuôn khổ một ngày của Hội thảo, các nhà quản lý, khoa học, học giả, chuyên gia đã trình bày, cho ý kiến thảo luận vào 28 báo cáo khoa học (7 báo cáo tại phiên toàn thể và 21 báo cáo tại 3 tiểu ban) về những chủ đề như: Phát triển chương trình giáo dục đại học trong giai đoạn mới; vai trò của ĐHTN trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên; phát triển cộng đồng và nền kinh tế: Vai trò tham gia của trường đại học; nhu cầu nguồn nhân lực thương mại điện tử trong cuộc cách mạng 4.0; đại học thông minh: Hướng đi mới cho giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; đổi mới trong đào tạo giáo viên: Kinh nghiệm thực tiễn và giáo dục khởi nghiệp; đào tạo nhóm ngành điện tử tích hợp ICT trong xu thế 4.0; kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (Chương trình POHE)…

Tiến sỹ Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tham luận tại Hội thảo

Các báo cáo tham luận tại Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đại biểu tham dự, đơn cử như tham luận về vai trò của Đại học Thái Nguyên trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi phía Bắc của Tiến sỹ Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Báo cáo đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn nhân lực qua đào tạo tại ĐHTN đã góp phần xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền địa phương, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách toàn diện… Dựa trên cơ sở phân tích bối cảnh phát triển kinh tế trong nước và quốc tế, cùng với những điều kiện cụ thể của tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo đề ra một số giải pháp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về những lĩnh vực mà tỉnh Thái Nguyên quan tâm như công nghệ thông tin; tự động hóa, viễn thông; thương mại điện tử; du lịch, khách sạn; logicstic…

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN Tham luận về “Phát triển chương trình giáo dục đại học trong giai đoạn mới”

Tham luận về “Phát triển chương trình giáo dục đại học trong giai đoạn mới”, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN cho rằng đây là một quá trình liên tục, là lĩnh vực chủ chốt của khoa học giáo dục với  yêu cầu cơ bản đáp ứng thị trường lao động, hội nhập quốc tế. Báo cáo nêu ra 8 vấn đề liên quan đến phát triển chương trình giáo dục đại học như: Sứ mạng, mục tiêu, tầm nhìn của các trường đại học; xác định đúng hiện trạng xã hội đang sử dụng nhân lực; tuyển dụng giảng viên chất lượng, đảm bảo các yếu tố: Người trẻ, được đào tạo cơ bản, tiếng Anh và tin học tốt, am hiểu quản trị đại học…; đối tượng người học không chỉ là sinh viên mà còn có các thành phần khác có nhu cầu học tập và chiến lược tuyển sinh bền vững là chủ động ”tạo ra” người học. Song song với đó là phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, học liệu thư viện điện tử và đầu tư tài chính. GS. TS Phạm Hồng Quang cũng nhấn mạnh trong báo cáo tham luận: Các giảng viên, nhà khoa học sẽ là chuyên gia phát triển chương trình giáo dục, phải làm chương trình với tư duy mới, với sự tham gia có trách nhiệm của người sử dụng, người học và cộng đồng xã hội. Cùng với trách nhiệm, tinh thần của các nhà khoa học ĐHTN, sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cũng như lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, ĐHTN sẽ có những chương trình giáo dục có chất lượng hơn nữa.

Bà Vianne McLean, Trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia cho rằng việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa trường đại học với các doanh nghiệp là rất quan trọng.

Về vai trò tham gia của trường đại học trong phát triển cộng đồng và nền kinh tế, bà Vianne McLean, Trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia đã nêu bật 3 vấn đề: Mối quan hệ giữa nhà trường và các doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào; tầm quan trọng của thay đổi này liên quan đến thực hiện cải cách giáo dục và đề xuất một số giải pháp để nhà trường duy trì mối quan hệ cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, việc phục vụ cộng đồng cần phải được quan tâm như việc nhà trường chú trọng vào nghiên cứu, khám phá những kiến thức mới và giảng dạy. Nghiên cứu hợp tác với doanh nhiệp, nhà trường sẽ có thêm nguồn kinh phí để thực hiện, sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với cộng đồng và đương nhiên cộng đồng sẽ có sự tôn trọng và đánh giá cao vị thế, sự đóng góp của nhà trường. Và việc hợp tác nghiên cứu không phải là việc dễ dàng đối với trường đại học. Bên cạnh đó, bà Vianne McLean cho rằng, các nhà trường cần hiểu về thế giới kinh doanh cũng như xây dựng mạng lưới hợp tác thật vững chắc. Một số lĩnh vực mới mà các cán bộ, giảng viên trường đại học chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc xây dựng mạng lưới hợp tác với các doanh nghiệp sẽ rất quan trọng. Song hành với đó là việc hợp tác cần một hệ thống đa dạng, toàn diện, do vậy việc quyết định mở mã ngành đào tạo mới, thiết kế chương trình đào tạo, triển khai tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra đánh giá về chương trình đào tạo đóng một vai trò quan trọng để chương trình tồn tại trong thời gian dài hơi...

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức của Đại học Thái Nguyên không ngừng hoàn thiện và phát triển theo hướng đại học đa ngành. Hiện nay, ĐHTN có 7 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 trường cao đẳng, 1 Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai, 17 viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc. Đội ngũ cán bộ viên chức 4.146 người, trong đó có 2.621 cán bộ giảng dạy. Giảng viên trình độ cao có 15 giáo sư, 147 phó giáo sư, 712 tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ khoa học có mặt ở tất cả các lĩnh vực nên có tiềm lực về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo từ bậc đại học đến trình độ tiến sĩ. Trong những năm gần đây, theo xu thế chung của cả nước, quy mô tuyển sinh của ĐHTN giảm dần, dẫn đến quy mô đào tạo giảm và giữ ổn định khoảng 60.000 người/năm. Năm 2018, quy mô đào tạo là 62.271 người, trong đó quy mô đào tạo sau đại học là 4.678 người, số người học sau đại học chiếm gần 10% số người học hệ chính quy. Đặc biệt, thời điểm năm 2018 có gần 700 lưu học sinh nước ngoài đang theo học tại ĐHTN, trong đó có 137 học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh… Do đó, với những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các định hướng mới trong việc xây dựng, đổi mới chương trình giáo dục đại học của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo sẽ vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thainguyen.gov.vn

Nhóm PV Phòng Tác nghiệp – Chuyên môn