Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Đăng ngày: 04-09-2019 | 2708 lần đọc
|

Đó là chủ đề của buổi Tọa đàm khoa học cho chuyên đề nghiên cứu “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045” đã được Đại học Thái Nguyên tổ chức sáng ngày 04/9 để lấy ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các đơn vị thành viên trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Nội dung này là một trong hai chuyên đề nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên được Ban Kinh tế Trung Ương đặt hàng phục vụ Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ được Ban kinh tế Trung Ương tổ chức tại Đại học Thái Nguyên vào tháng 10 năm 2019.

4-9-2019-KH-1.JPG

GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN phát biểu tại buổi tọa đàm

Báo cáo chuyên đề nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh thực hiện.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS Đỗ Anh Tài – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo nhanh các nội dung được đề cập trong báo cáo, bao gồm: Chất lượng tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; Đánh giá về quy hoạch và các vấn đề xã hội khu vực miền núi phía Bắc; Định hướng phát triển và giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội Trung du miền núi phía Bắc.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi phía Bắc được nhóm nghiên cứu đưa ra như sau: Về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sẽ phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung vào trồng và sản xuất các cây đặc sản; Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi phương thức canh tác sang sản xuất hữu cơ, nông nghiệp xanh; nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, công tác quảng bá, marketing trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về công nghiệp, sẽ phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường; Phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực dựa trên cơ sở tài nguyên và lợi thế của vùng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn; Tập trung vào một số ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biêt là công nghiệp chế biến; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế giá trị trường đối với các hàng hóa thiết yếu; Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa.

Về thương mại, dịch vụ và du lịch hướng tới việc chuyển dịch cơ cấu các ngành thương mại, dịch vụ theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ cảng, dịch vụ tư vấn, tài chính, ngân hàng, chuyển giao công nghệ; Phát triển kinh tế cửa khẩu; Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình du lịch, liên kết du lịch giữa các vùng. Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, gắn khai thác với tôn tạo, duy trì, bảo dưỡng phát triển tài nguyên du lịch, truyền thống văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa du lịch Vùng trung du miền núi phía Bắc Bộ trở thành khu vực có nhiều điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trong nước và quốc tế. Phát triển các loại hình du lịch mới: Du lịch tâm linh, cộng đồng, sinh thái, cửa khẩu…

Về kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, cần kết hợp cải tạo, nâng cao và xây dựng mới hệ thống giao thông; nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới điện tương ứng với nguồn điện, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân; Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cấp nước ở khu vực nông thôn…

7 giải pháp được đề cập đến, bao gồm: Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, công nghiệp, địa phương; Phát triển nông nghiệp hữu cơ và các mô hình trang trại thiết kế sinh học; Phát triển du lịch bền vững; xây dựng  hệ sinh thái khởi nghiệp nông thôn; Tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng Trung du miền núi phía Bắc và xây dựng chuỗi cung ứng; Điều chỉnh định hướng về chính sách về đầu tư nước ngoài; Tăng cường đầu tư ra nước ngoài.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cáo báo cáo của nhóm nghiên cứu xây dựng, bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý cho báo cáo ở một số vấn đề về kết cấu, bố cục của báo cáo; trong quá trình đánh giá phân tích cần chú ý đến các minh chứng, số liệu cụ thể, đồng thời chú ý tới yếu tố địa chính trị, dân cư kèm theo phân tích dữ liệu tài chính, nguồn nhân lực….Bên cạnh đó, có ý kiến góp ý cũng cho rằng, báo cáo cũng cần đề cập và khẳng định đến vị trí, vai trò của Đại học Thái Nguyên đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng trong thời gian tới.

Tác giả: Thanh Loan  TNU Media