Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đại học Thái Nguyên phải trở thành động lực phát triển kinh tế vùng

Đăng ngày: 02-04-2019 | 16296 lần đọc
|

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng Huân Chương Lao động hạng Nhất cho ĐH Thái Nguyên. Ảnh Việt Hà

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng Huân Chương Lao động hạng Nhất cho ĐH Thái Nguyên. Ảnh Việt Hà

GD&TĐ - Sáng nay (2/4), Phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh: ĐH Thái Nguyên phải tích cực đổi mới cơ chế quản lý, chủ động, sáng tạo để thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước.

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHTNTNNĐ của Quốc hội; ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn GDVN; ông Trần Quốc Tỏ - Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Uông Chu Lưu đã gắn Huân Chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của ĐH Thái Nguyên.

Phát biểu tại đây, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đánh giá cao trong 25 năm qua kể từ khi thành lập, ĐH Thái Nguyên đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để không ngừng phát triển và lớn mạnh, khẳng định được vị thế là một đại học quy mô, có uy tín, có vai trò dẫn dắt trong giáo dục đại học của khu vực trung du và miền núi Bắc bộ; đóng vai trò quan trọng phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của vùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Việt Hà

Những kết quả đó là hết sức đáng tự hào nhưng nhiệm vụ và thách thức phía trước cũng nặng nề và gian khó. Để làm tốt vai trò của Đại học vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ĐH Thái Nguyên tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Tăng cường dân chủ, đoàn kết, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng nhân ái, tính cộng đồng và tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, HSSV; Đào tạo ra con người phát triển toàn diện, có sức khỏe, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước giai đoạn cách mạng mới.

Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ 1/7; Đồng thời tích cực góp ý cho Nghị định Quy định chi tiết thực hiện Luật Giáo dục đại học, đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện quyền tự chủ, đẩy mạnh phân cấp cho các đơn vị thành viên, tạo sự liên kết chặt chẽ, hữu cơ giữa ĐH Thái Nguyên với các đơn vị thành viên nhằm tạo ra một mô hình, cách thức quản lý phù hợp, nâng cao tính sáng tạo, chủ động tạo động lực mới cho sự phát triển của ĐH Thái Nguyên và các đơn vị thành viên.

Các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: Việt Hà

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm đào tạo, khoa học chất lượng, uy tín, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, đời sống với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường để ĐH Thái Nguyên thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước.

Hiện nay ĐH Thái Nguyên có 11 đơn vị đào tạo, đang đào tạo với 305 ngành học từ trình độ ĐH đến trình độ tiến sĩ. Quy mô người học hiện nay là trên 60.000 người, trong đó 5.000 học viên SĐH, đặc biệt là thu hút được trên 700 người nước ngoài của 12 nước đến học tập và nghiên cứu. Lịch sử phát triển của các trường ĐH thành viên cùng với giai đoạn 25 năm phát triển ĐH Thái Nguyên đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 500.000 cán bộ có trình độ ĐH và sau ĐH. Trong 5 năm gần đây, ĐH đã đào tạo gần 57.000 cán bộ có trình độ ĐH và trên 7.000 cán bộ có trình độ sau ĐH.

Bá Hải